Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Đại Lễ Vu Lan sẽ được diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy Âm Lịch hằng năm và ngày lễ năm nay sẽ rơi vào này 15/8/2019 dương lịch (15/7/2019 âm lịch).
Từ rất xa xưa, Kinh Vu Lan Bồn của Phật Giáo đã ghi chép rằng:
Nguồn gốc của danh từ Vu lan là phiên âm chữ phạn Ullambana, dịch theo ngôn ngữ của người Trung Hoa là Giải Đảo Huyền, có nghĩa cứu khỏi tội treo ngược.
Vậy Lễ Vu Lan có nghĩa là không ngừng báo đáp, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tiền và cầu nguyện cho cha mẹ bảy đời (cửu huyền thất tổ) sớm thoát khỏi cảnh tội đồ nơi địa ngục.
Nguồn gốc lễ vu lan
Bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục.
Mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề theo đạo Bà La Môn, bà là người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo. Mỗi ngày bà thường nấu rất nhiều thức ăn, và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất.
Còn cậu bé Mục Kiền Liên, con trai của bà thì tính tình lại trái ngược hoàn toàn với mẹ của mình. Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm bà làm rơi xuống, rửa sạch rồi ăn chúng.
Cho nên, tất cả những người quen biết đều yêu mến và khen ngợi Mục Kiền Liên là một cậu bé ngoan, hiếu thảo. Và xem Mục Kiền Liên như là một tấm gương để giáo dục con em của mình.
Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xuất gia theo học Phật, và trở thành đệ tử của Đức Phật. Có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng tìm thấy mẹ nơi đại địa ngục.
Mục Kiền Liên đã xuất gia theo học Phật
Trông thấy mẹ tóc tai dơ bẩn, chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất, không thể ngưỡng nổi đầu lên. Mục Kiền Liên đau xót khôn nguôi, ôm bà bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn đỡ đói.
Nhưng bà Thanh Đề vẫn còn quá sân tham, nên khi cơm đưa đến miệng thì cơm hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Bất lực không thể cứu được mẹ nên Mục Kiền Liên quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.
Bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ
Đức Phật nói: Ngày 15/7 âm lịch tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, con hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ con.
Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, mẹ của người thoát khỏi kiếp đọa đày, và được sanh về cõi lành. Từ đó, ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Nên Vu Lan là ngày lễ tưởng nhớ công ơn của cha mẹ cùng tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp của mỗi người chúng ta.
Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, Vu Lan chính là báo hiếu, và không chỉ đối với cha mẹ kiếp này mà còn là đối với cha mẹ nhiều kiếp trước nữa.
Ngoài ra, Lễ Vu Lan còn giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa của Phật Giáo, đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “Phổ độ chúng sanh”…
Một mùa Báo Hiếu nữa lại sắp đến, đây chính là dịp để chúng ta sống chậm lại, tạm gác lại những xô bồ, hối hả trong cuộc sống mà dành thời gian để tự ngẫm và yêu thương nhiều hơn.
Là dịp để mỗi người con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, những người đã ban cho chúng ta cuộc sống trên cõi đời này.
Là dịp để mỗi người con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành
Có bao giờ bạn một lần tự hỏi chính mình, đã bao lâu rồi mình không dành thời gian bên gia đình, nói những lời yêu thương với cha mẹ?
Vậy thì đây chính là một cơ hội tuyệt vời, hãy ngay lập tức hành động, bày tỏ lòng tri ân, thể hiện sự kính yêu tới song thân.
Thống kê các ngày Lễ Vu Lan trong những năm gần đây:
- Lễ Vu Lan năm 2017 rơi vào ngày thứ ba, 5/9 dương lịch, nhằm ngày 15/7 âm lịch
- Lễ Vu Lan năm 2018 rơi vào ngày thứ bảy, ngày 25/8 dương lịch, nhằm ngày 15/7 âm lịch
- Lễ Vu Lan năm 2019 rơi vào ngày thứ năm, ngày 15/8 dương lịch, nhằm ngày 15/7 âm lịch
- Lễ Vu Lan năm 2020 rơi vào ngày thứ tư, ngày 2/9 dương lịch, nhằm ngày 15/7 âm lịch
Ý nghĩa bông hồng cài trên ngực áo
Trước đây, ngày Lễ Vu Lan vốn được tổ chức vào ngày 14 và 15 của tháng 7 âm lịch. Nhưng mấy năm trở lại đây đã trở thành một đại lễ, nên rất nhiều nơi đã tổ chức Lễ Vu Lan kéo dài suốt 30 ngày trong tháng 7 âm lịch.
Nghi thức “Bông Hồng Cài Áo” là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế, đồng thời để tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này với các con các cháu.
Bông Hồng Cài Áo là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế
Trong nghi thức, các Phật Tử với hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ hoa hồng đỏ và một giỏ hoa hồng trắng, sẽ cài hoa lên áo của người đến chùa tham dự lễ.
Như chúng ta đã biết, hoa hồng chính là biểu tượng của sự cao quý và tình yêu bất diệt.
Với ý nghĩa thiêng liêng đó, nên cứ đến ngày lễ này, mọi người khi tham dự lễ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên ngực áo, đó là ý nghĩ của việc bạn còn đầy đủ cả mẹ lẫn cha.
Theo như lời Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thì: Lúc đầu, nghi thức này chỉ sử dụng hoa hồng màu đỏ, nhưng về sau, một số nơi bắt đầu phân chia ra thành nhiều màu sắc hoa hồng khác nhau.
Như người nào đã mất hết cha cùng mẹ thì cài hoa hồng màu trắng, người nào còn đầy đủ cha mẹ thì cài hoa hồng màu đỏ, người nào chỉ còn mỗi cha hoặc là mẹ thì sẽ cài hoa hồng màu nhạt hơn.
Lễ Vu Lan nên làm gì
Như chính những ý nghĩa mà chúng ta đã lý giải ở trên, ngày Đại Lễ Vu Lan sẽ có một số hoạt động chính như sau:
Lễ vu lan nên cầu an cho ông bà, cha mẹ
- Thể hiện lòng nhân từ đối với tất cả chúng sinh thông qua nghi thức phóng sinh
- Ăn chay, niệm phật, cầu an cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ
- Đến chùa thắp hương cầu nguyện, nghe các vị trụ trì thuyết giảng giáo lý
- Chuẩn bị mâm cơm tươm tất tại nhà để dâng lên Thần Phật, gia tiên để tỏ lòng thành kính và báo hiếu
- Tham dự Lễ Vu Lan và cài hoa lên ngực áo để tưởng nhớ công ơn lớn lao của đấng sinh thành.
Bạn đã hiểu được ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu rồi phải không? Hãy thể hiện tình cảm của mình dành cho ba mẹ – những người thân yêu nhất của mình trong những ngày này nhé.